Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỉnh Cà Mau đã ban hành 48 ngành nghề đưa vào đào tạo cho lao động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nghề phi nông nghiệp là 20 nghề, nghề nông nghiệp là 28 nghề. Hơn 3 năm triển khai thực hiện toàn tỉnh 34.982 người được đào tạo nghề và đang học nghề. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt trên 70%. Những ngành, nghề chủ yếu trên địa bàn tỉnh, là: Nuôi tôm quảng canh cải tiết, nuôi cua biển, trồng nấm, trồng rau an toàn, may, thêu, đan lát, xây dựng dân dụng...Sau khi học nghề lao động đã nắm được kiến thức, áp dụng vào thực tế, tiết kiệm đầu tư chi phí cho sản xuất, ngày công lao động, nâng cao năng suất, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch đạt chất lượng tốt... qua đó, chuyển một bộ phận lớn từ lao động nông nghiệp sang các nghề phi nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất chuyên canh của địa phương, tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu, góp phần vào tiến trình xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.


Lớp may dân dụng tại Trung tâm dạy nghề huyện Năm Căn

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế việc thực hiện Đề án vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém: Công tác tuyên truyền chưa sâu, chưa kịp thời, nội dung chưa phong phú; việc tư vấn học nghề có nơi chưa tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, chưa đến các đối tượng khó khăn. Tỷ lệ thoát nghèo sau học nghề thấp, chỉ đạt 0,54%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, học tập, vì vậy việc học thực hành còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học và ứng dụng vào thực tiễn.

Việc xây dựng, ban hành các chương trình giảng dạy chậm, chưa có giáo trình chuẩn. Các nghề mới chưa bổ sung kịp thời theo nhu cầu của người lao động, của thị trường lao động và điều kiện của địa phương. Một số cơ sở dạy nghề thiếu giáo viên, nhất là giáo viên cơ hữu, mặt khác một số giáo viên dạy nghề có tay nghề chưa cao, kinh nghiệm ít, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới nên không đáp ứng được yêu cầu của người học; ngoài ra có một số người mặc dù có tay nghề cao nhưng chưa có bằng cấp hoặc chứng chỉ công nhận là nghệ nhân, người lao động giỏi... nên không được huy động tham gia dạy nghề. Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp so với giá cả hiện tại; chưa có chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo. Ban Chỉ đạo Đề án dạy nghề các cấp chưa có kinh phí hoạt động, do đó khó khăn trong quá trình đi kiểm tra, giám sát. Chất lượng tay nghề sau đào tạo còn thấp, có không ít người học nghề xong, doanh nghiệp không nhận do chất lượng dạy nghề không đáp ứng yêu cầu. Nội dung, chương trình, kế hoạch giảng dạy phục vụ cho việc đào tạo cán bộ, công chức cấp xã chậm triển khai.

Thiết nghĩ, để thực hiện Đề án có hiệu quả, trong thời gian tới UBND và Ban chỉ đạo Đề án 1956 các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền sâu, rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt việc điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề vì đây là điều kiện tiên quyết đến hiệu quả của công tác đào tạo. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện Đề án.


Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng ban Văn hoá - xã hội của HĐND tỉnh (thứ 2 từ trái sang)
thăm hỏi các học viên đang học nghề tại trường Trung cấp Nghề tỉnh Cà Mau


Ban hành bộ giáo trình chuẩn để áp dụng vào giảng dạy tại các trường; cải tiến nội dung giảng dạy đảm bảo sát với tình hình thực tế của địa phương và nhận thức của người học. Bổ sung những ngành, nghề mà địa phương có lợi thế; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, nhất là giáo viên cơ hữu ở các trung tâm dạy nghề để từng bước đạt chuẩn. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, học cụ phù hợp cho các trung tâm dạy nghề.

Qua tâm đến công tác hỗ trợ, giúp đỡ người lao động sau học nghề được vay vốn sản xuất, kinh doanh, nhất là các đối tượng thuộc diện ưu tiên; tăng cường chính sách hỗ trợ cho các đối tượng học nghề để họ ổn định cuộc sống và yên tâm học tập Nhanh chóng triển khai thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã theo Đề án đã được phê duyệt…

Thanh Mộng

Nhận xét

Bài liên quan